Zalo
Facebook

Nhận biết 22 linh kiện trong máy tính – Phần 1

Trong quá trình học sửa laptop hay sửa chữa máy tính, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định được các linh kiện trong máy tính. Có như vậy thì bạn mới có thể bắt bệnh và tiến hành sửa chữa chính xác. Trong bài viết ngày hôm nay, Học viện iT.vn sẽ chia sẻ tới các bạn cách nhận biết và những kiến thức cơ bản về những linh kiện trong máy tính phần 1.

Nhận biết 22 linh kiện trong máy tính - Phần 1
Nhận biết 22 linh kiện trong máy tính – Phần 1

1. CPU

Khái niệm của CPU

CPU là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh Central Processing Unit, có nghĩa là bộ xử lý trung tâm. Trong đó, đây là bộ phận có nhiệm vụ tính toán, xử lý và đưa ra lệnh điều khiển dựa trên mọi thông tin, thao tác, dữ liệu của mọi hoạt động trên máy tính.

CPU trong máy tính
CPU trong máy tính

Giao tiếp của CPU

CPU giao tiếp trực tiếp với Chipset bắc thông qua các đường Bus dữ liệu, Bus điều khiển và Bus địa chỉ.

Nhiệm vụ của CPU

CPU thực hiện các nhiệm vụ sau trong máy tính:

– Thực hiện xử lý các chương trình phần mềm bằng các phép toán nhị phân và toán logic. 

– Phần mềm của máy tính bao gồm:

+ Chương trình BIOS.

+ Trình điều khiển thiết bị.

+ Hệ điều hành.

+ Chương trình ứng dụng.

+ Hình ảnh, âm thanh, video số…

– Kết quả xử lý là:

+ Lệnh điều khiển các thiết bị khác hoạt động.

+ Hình ảnh, âm thanh, ký tự dạng số được lưu trong RAM.

Điện áp hoạt động của CPU

CPU sử dụng điện áp hoạt động chính là nguồn VCORE phục vụ cho xử lý trong nhân chip và nguồn VIO phục vụ cho việc giao tiếp với các thiết bị khác.

Điều kiện hoạt động của CPU

Để CPU hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Có đủ hai điện áp như trên.

– Chân Socket tiếp xúc tốt.

– Có tín hiệu PWR_GD từ chipset nam báo cho biết các mạch nguồn đã tốt.

– Có tín hiệu khởi động CPU_RST từ chipset bắc tới.

 

2. MCH – Chipset bắc

Khái niệm của chip cầu bắc

Chipset bắc hay còn được gọi là chip cầu bắc (Memory Controller Hub – MCH). Đây là linh kiện nằm ở gần đầu trên phía bắc của bo mạch chủ. Nó kết nối trực tiếp với CPU và có nhiệm vụ kết nối giữa các bộ phận phần cứng trong hệ thống (Các bộ phận phần cứng bao gồm RAM, vi điều khiển giao tiếp PCI Express hay vi điều khiển AGP (Accelerated Graphics Port trên các bo mạch đời cũ). 

Bởi các bộ phận phần cứng không thể giao tiếp với nhau nếu không có chip cầu bắc nên có thể nói chip cầu bắc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong máy tính.

Giao tiếp của chip cầu bắc

MCH giao tiếp trực tiếp với CPU, RAM, Chip Video, Chipset nam.

Chức năng của chip cầu bắc

Chipset bắc thực hiện các nhiệm vụ sau trong máy tính:

– Điều khiển tốc độ Bus cho các thiết bị trên.

– Chuyển mạch dữ liệu để cho các tín hiệu hoạt động liên tục.

– Điều khiển tín hiệu cho màn hình (Nếu tích hợp chip video).

Điện áp hoạt động của chip cầu bắc

Để MCH hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Sử dụng chung điện áp VCORE với CPU.

– Sử dụng chung điện áp VIDEO_CORE với chip video.

– Sử dụng chung điện áp 2,5V hoặc 1,8V với Ram.

– Sử dụng chung điện áp 1,5V với chipset nam.

Điều kiện hoạt động của chip cầu bắc

Để chip cầu bắc hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Có ít nhất hai điện áp cung cấp là VCORE và điện áp 1.5V.

– Có tín hiệu reset hệ thống (RPL_RST hoặc PCI_RST) khởi động, tín hiệu này xuất phát từ Chipset nam.

Biểu hiện khi Chipset bắc không hoạt động

Khi chipset bắc không hoạt động thì bạn sẽ thấy máy có tín hiệu reset hệ thống nhưng CPU không hoạt động, không đọc mã BIOS, không báo sự cố gì cả, có đèn báo nguồn. Nếu Chipset bắc bị chập thì đèn báo nguồn chớp sáng rồi tắt.

Chipset bắc và chipset nam trong máy tính
Chipset bắc và chipset nam trong máy tính

3. ICH – Chipset nam

Khái niệm của chip cầu nam

Chipset nam hay còn được gọi là chip cầu nam (I/O Controller Hub – ICH). Sở dĩ con chip này có cái tên như vậy là do nó nằm ở phía Nam so với chip cầu bắc trong sơ đồ khối bo mạch chủ.

Đây là con chip có chức năng liên lạc với các thiết bị có tốc độ chậm hơn trên bo mạch chủ. Trên thực tế để kết nối với CPU, chip cầu nam phải thông qua chip cầu bắc. Thông thường, chip cầu nam có thể làm việc với nhiều chip cầu bắc với thiết kế tương thích với nhau.

Giao tiếp của chip cầu nam

Chip cầu nam giao tiếp trực tiếp với Chipset bắc, card PCI, các ổ đĩa, chip điều khiển nguồn, chip SIO và BIOS.

Chức năng của chip cầu nam

Chipset nam thực hiện các nhiệm vụ sau trong máy tính:

– Điều khiển tốc độ Bus cho các thành phần trên và điều khiển chuyển mạch dữ liệu.

– Tạo tín hiệu Reset hệ thống (PCI_RST hoặc PLT_RST) để khởi động các thành phần trên máy khi mới bật nguồn.

Điện áp hoạt động của chip cầu nam

Để ICH hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Sử dụng nguồn chính là 1.5V là nguồn chung với Chipset bắc.

– Nguồn 3.3V, nguồn 5V thứ cấp, nguồn 5V cấp trước.

Điều kiện hoạt động của chip cầu nam

Để chip cầu nam hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Cần có các nguồn điện áp cung cấp như trên.

– Có tín hiệu PWR_OK báo về từ chip quản lý nguồn.

– Có tín hiệu VRM_GD báo về từ mạch cấp nguồn cho CPU.

– Có xung Clock.

– Có tín hiệu Reset từ chip quản lý nguồn khởi động.

Biểu hiện khi Chipset nam không hoạt động

Khi Chipset nam không hoạt động, máy sẽ mất tín hiệu reset hệ thống (PLT_RST) và Chipset bắc, CPU cũng không chạy và máy vẫn có đèn báo nguồn.

 

4. Mạch Clock Gen

Khái niệm mạch Clock Gen

Mạch Clock Gen hay còn gọi là mạch xung Clock hoặc xung nhịp chủ của máy tính. Trong đó, cái tên “Clock” được đặt là do các xung nhịp chủ hoạt động rất chính xác về thời gian. Hầu hết tất cả các bộ phận trong máy tính đều cần đến xung Clock thì mới có thể hoạt động được.

Mạch Clock Gen trong máy tính
Mạch Clock Gen trong máy tính

Chức năng của mạch Clock Gen

Mạch xung Clock thực hiện các nhiệm vụ sau trong máy tính:

– Tạo ra xung Clock để cung cấp cho các thành phần trên máy hoạt động.

– Đồng bộ về dữ liệu trong toàn hệ thống.

– Các xung Clock cung cấp cho các thành phần quyết định tốc độ Bus của các thành phần đó.

– Nếu mất xung Clock thì các IC xử lý số sẽ không hoạt động.

Điều kiện hoạt động của mạch xung Clock

IC Clock Gen sử dụng điện áp 3.3V

Cấu tạo của mạch xung Clock

Thành phần của mạch xung Clock bao gồm IC tạo xung và thạch anh dao động 14.3Mhz.

Điều kiện hoạt động của mạch Clock Gen

Để mạch Clock Gen hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Có nguồn 3.3V cấp cho IC.

– Có tín hiệu CLK_EN từ mạch cấp nguồn cho CPU báo về khi mạch này hoạt động tốt.

– Thạch anh và IC tốt.

Biểu hiện khi mạch Clock Gen không hoạt động

Khi mạch Clock Gen không hoạt động, máy sẽ mất xung Clock. Chipset nam và các IC xử lý số khác sẽ không hoạt động, máy mất tín hiệu Reset hệ thống, vẫn có đèn báo nguồn.

 

5. Chip video

Khái niệm chip video

Chip video hay còn được gọi là Chip VGA hoặc Chip xử lý đồ họa. Nó chịu trách nhiệm xử lý các thông tin về hình ảnh laptop giúp người sử dụng thấy được những hình ảnh khi thao tác với laptop như sử dụng đồ họa, xem phim, chơi game. 

Chip Video trong máy tính
Chip Video trong máy tính

Giao tiếp của chip video

– Chip video giao tiếp với Chipset bắc và nhận dữ liệu từ Chipset bắc.

– Một số trường hợp chip Video được tích hợp trong Chipset bắc.

Chức năng của chip video

Chip video thực hiện nhiệm vụ xử lý dữ liệu rồi cung cấp cho màn hình LCD hoặc màn hình CRT.

Điều kiện hoạt động của chip video

Để chip video hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– Chip Video sử dụng điện áp riêng là VIDEO_CORE.

– Điện áp 1.8V để chung với điện áp của RAM gần chip.

– Điện áp 3V cho mạch xử lý CRT và TV.

– Bản thân chip hoạt động, không bong chân.

Biểu hiện khi chip video không hoạt động

– Máy không lên màn hình, không sáng màn.

– Hình ảnh bị rác, nhiễu màu, hình chập chờn.

– Không có dữ liệu xuất ra màn hình CRT.

– Nếu kiểm tra bằng Card Test thì thấy số Hecxa nhảy gần hết, nhưng không thấy hiện hình ảnh.

 

6. Bộ nhớ RAM

Khái niệm của RAM

RAM là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh: Random Access Memory. Nó là một loại bộ nhớ có khả biến truy xuất đọc-ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ ô nhớ. Nhưng những thông tin được lưu trên RAM chỉ là tạm thời cho nên chúng sẽ mất đi khi mất nguồn điện cung cấp.

RAM trong máy tính
RAM trong máy tính

Giao tiếp của RAM

– RAM giao tiếp trực tiếp với Chipset bắc trên các dòng máy dùng chip INTEL và giao tiếp với CPU trên các dòng máy dùng chip AMD.

– Bộ nhớ RAM giao tiếp với Chipset bắc qua đường Bus như Bus điều khiển, Bus dữ liệu và Bus địa chỉ.

Chức năng của bộ nhớ RAM

Trong laptop, bộ nhớ RAM thực hiện các chức năng sau:

– Là bộ nhớ tạm thời chỉ lưu dữ liệu khi máy đang chạy để cung cấp trực tiếp cho CPU trong quá trình xử lý.

– Tất cả các dữ liệu hay chương trình bạn đang mở ra và hiển thị trên màn hình chúng đều đã được tải lên RAM.

Điều kiện hoạt động của RAM

Để RAM hoạt động được thì nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:

– RAM được cấp hai điện áp: Áp chính là 2.5V và áp phụ là 1.25V(DDR) hoặc 1.8V và 0.9V(DDR2).

– Các chân RAM tiếp xúc tốt.

Biểu hiện khi RAM không hoạt động:

Khi RAM không hoạt động thì CPU vẫn hoạt động và chạy chương trình BIOS, khi kiểm tra đến RAM chương trình sẽ phát ra tiếng ‘bíp’ hoặc xuất mã Hecxa lỗi C hoặc E ra Card Test.

Trên đây là chia sẻ của Học viện iT.vn về 6 linh kiện đầu tiên trong 22 linh kiện trong máy tính. Hy vọng những kiến thức này có thể giúp ích cho bạn trong quá trình học tập và làm việc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào thì hãy để lại bình luận ngay bên dưới bài viết này hoặc inbox trực tiếp cho Học viện iT.vn để được giải đáp tốt nhất. Chúc bạn thành công!

Các bài viết liên quan:

Nhận biết 22 linh kiện trong máy tính – Phần 2

Nhận biết 22 linh kiện trong máy tính – Phần 3

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN HỌC VIỆN IT
MST: 0108733789
Tổng đài hỗ trợ: 024 3566 8686 – Hotline: 0981 223 001
Facebook: www.fb.com/hocvienit
Đăng ký kênh Youtube để theo dõi các bài học của Huấn luyện viên tốt nhất: http://bit.ly/Youtube_HOCVIENiT
Hệ thống cơ sở đào tạo: https://hocvienit.vn/lien-he/
Học viện IT.vn – Truyền nghề thực tế cùng bạn đến thành công!