Zalo
Facebook

Cách đọc thông số Mainboard, CPU và RAM trên PC

Mainboard, CPU và RAM là những thành phần vô cùng quan trọng trong máy tính PC. Nếu muốn trở thành một kỹ thuật viên sửa chữa máy tính chuyên nghiệp thì bạn cần biết cách đọc thông số của những thành phần này. Trong bài viết ngày hôm nay, Học viện iT.vn sẽ chia sẻ tới các bạn học viên cách đọc thông số Mainboard, CPU và RAM trên PC nhé!

Cách đọc thông số Mainboard, CPU và RAM trên PC
Cách đọc thông số Mainboard, CPU và RAM trên PC

Cách đọc thông số Mainboard 

Mainboard (Hay còn được gọi là bo mạch chủ) là bản mạch bao gồm tất cả các linh kiện kết nối với nhau tạo thành một thể thống nhất. Chính vì vậy, nó được coi là “xương sống” giúp cho máy tính hoạt động, xử lý công việc. 

Các thông số Mainboard cần lưu ý:

  • Tên nhà sản xuất: Xem phía trước hoặc sau Mainboard ngay chỗ tem bảo hành. Ví dụ: Asus, Giga,…
  • Ký hiệu main: Là mã số lớn ghi trên main. Ví dụ: GA-G41M-S2L.

Lưu ý: Bạn cần xác định chính xác tên nhà sản xuất và ký hiệu main để tìm được đúng driver khi cài đặt.

Thông số Mainboard trên PC
Thông số Mainboard trên PC

Cách đọc thông số CPU

CPU có thể được xem như “não bộ”, là một trong những phần tử cốt lõi nhất của máy tính. CPU có nhiệm vụ tính toán, xử lý và đưa ra lệnh điều khiển dựa trên mọi thông tin, thao tác, dữ liệu của mọi hoạt động trên máy tính.

Các thông số CPU cần lưu ý:

  1. Thông số của CPU thường được ghi trên lưng của nó. 

Ví dụ: Core i3 6100/3.7GHz/3MB/8GT

Đọc thông số CPU
Đọc thông số CPU
  1. Tốc độ xử lý (Thường ghi sau tên CPU).
  • Tốc độ xử lý của máy tính phụ thuộc vào tốc độ của CPU, nhưng nó cũng phụ thuộc vào các thành phần khác như bộ nhớ trong, RAM hay GPU,…
  • Tốc độ CPU có liên hệ với tần số đồng hồ làm việc của nó, tính bằng các đơn vị như MHz, GHz,…
  • Đối với các CPU cùng loại, tần số này càng cao thì tốc độ xử lý càng tăng. Đối với CPU khác loại, điều này chưa chắc đúng. Ví dụ: CPU Core 2 Duo có tần số 2.6GHz có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn CPU Pentium 4/ 3.4 GHz một nhân.

Như ví dụ ở trên: CPU Core i3 6100/3.7GHz/3MB/8GT có tốc độ xử lý là 3.7Ghz.

  1. Bộ nhớ đệm (Viết tắt Cache L2, thường ghi sau tốc độ xử lý).
  • Bộ nhớ đệm dùng để lưu các lệnh hay dùng, giúp cho việc nhập dữ liệu xử lý nhanh hơn.
  • Tốc độ CPU còn phụ thuộc vào bộ nhớ đệm của nó. Ví dụ: CPU Core 2 Duo sử dụng chung cache L2 (shared cache) giúp tốc độ xử lý của hệ thống 2 nhân mới này nhanh hơn so với hệ thống 2 nhân thế hệ 1 (Intel Core Duo và Intel Pentium D) với mỗi core từng cache L2 riêng biệt. 

Như ví dụ ở trên: CPU Core i3 6100/3.7GHz/3MB/8GT có bộ nhớ đệm là 3MB.

  1. Tốc độ bus (Viết tắt là FSB).

Tốc độ bus là tốc độ truyền tải dữ liệu ra vào CPU hay là tốc độ dữ liệu chạy qua chân của CPU. Trong một hệ thống thì tốc độ bus của CPU phải bằng tốc độ bus của chipset bắc, tuy nhiên tốc độ bus của CPU là duy nhất nhưng chipset bắc có thể hỗ trợ từ 2 đến 3 tốc độ FSB.

Như ví dụ ở trên: CPU Core i3 6100/3.7GHz/3MB/8GT có tốc độ bus là 8GT.

  1. Socket bao nhiêu (Viết tắt LGA).

Socket CPU chính là số chân trên CPU, Socket CPU phải đúng chính xác với socket của mainboard thì mới sử dụng được.

Ví dụ: Core i3 6100 – Socket 1151.

Cách đọc thông số RAM

RAM là là linh kiện có khả năng lưu trữ dữ liệu nhưng RAM lại khác với ổ cứng, nó chỉ có thể lưu trữ dữ liệu tạm thời và chúng sẽ mất đi khi không còn nguồn điện cung cấp. 

Khi máy tính hoạt động, RAM đóng vai trò là thiết bị trung gian, lưu trữ những thông tin được tạo ra từ các chương trình hay ứng dụng để các linh kiện khác như CPU hay GPU lấy và xử lý thông tin. Như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rằng: Nếu mức dung lượng RAM càng lớn thì nó sẽ có thể chứa được nhiều dữ liệu cùng lúc hơn, vì đó mà khả năng đa nhiệm (Chạy song song nhiều chương trình) càng mượt mà, trơn tru.

Các thông số RAM cần chú ý:

  1. Loại RAM: SRAM, DRAM, SDRAM, SDR RAM, DDR SDRAM, DDR2, DDR3, DDR4, DDR5,…
  2. Dung lượng RAM

Dung lượng RAM được tính bằng MB và GB. Thông thường, RAM được thiết kế với các dung lượng 8, 16, 32, 64, 128, 256, 512MB, 1GB, 2GB, 4GB, 8GB, 16GB,… Dung lượng RAM càng lớn càng tốt cho hệ thống. Tuy nhiên, không phải tất cả các hệ thống phần cứng và hệ điều hành đều hỗ trợ các loại RAM có dung lượng lớn, một số hệ thống chỉ hỗ trợ đến tối đa 4GB và một số hệ điều hành (Như phiên bản 32bit) chỉ hỗ trợ đến 3,4GB.

  1. Tốc độ bus

Tốc độ bus là tốc độ truy cập dữ liệu của RAM. Tốc độ bus phải bằng hoặc cao hơn 50% tốc độ bus của CPU. RAM phải được mainboard hỗ trợ về tốc độ bus.

Mẹo: RAM có các thông số dung lượng, chủng loại, tốc độ BUS ghi trực tiếp lên nhãn mà bạn có thể nhận thấy luôn. Tuy nhiên, một số RAM có chủng loại và tốc độ Bus được ghi khác đi. 

Ví dụ RAM có chủng loại và tốc độ Bus có thể kể đến như: RAM Hynix 512MB 2RX16 PC2-5300S-555-12: Có dung lượng 512MB, chủng loại PC2 là DDR2, băng thông 5300s ta suy ra Tốc độ bus = Băng thông / 8 = 667MHz.

Đọc thông số RAM
Đọc thông số RAM

Trên đây là chia sẻ của Học viện iT.vn về cách đọc thông số Mainboard, CPU và RAM trên PC. Hy vọng những kiến thức này có thể giúp ích cho bạn trong quá trình học tập và làm việc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào thì hãy để lại bình luận ngay dưới bài viết này hoặc inbox trực tiếp cho HOCVIENiT.vn để được giải đáp tốt nhất. Chúc bạn thành công!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN HỌC VIỆN IT
MST: 0108733789
Hotline: 0981 223 001
Facebook: www.fb.com/hocvienit
Đăng ký kênh Youtube để theo dõi các bài học của Huấn luyện viên tốt nhất: http://bit.ly/Youtube_HOCVIENiT
Hệ thống cơ sở đào tạo: https://hocvienit.vn/lien-he/
Học viện IT.vn – Truyền nghề thực tế cùng bạn đến thành công!